Tin tức

Tin tức

KHI NÀO NÊN VỆ SINH MÁY PHA CÀ PHÊ

Phải khẳng định rằng, không có một chiếc máy pha Café tốt thì không thể nào pha được một tách Espresso ngon. Chính vì vậy, việc đảm bảo vệ sinh cho chiếc máy để máy pha luôn hoạt động trong tình trạng tốt nhất, mang lại những tách cà phê chất lượng đồng đều phải luôn được chú ý. Bất kể dù bạn là ai, một barista chuyên nghiệp, một chủ quán café nhỏ hay đơn giản là người sở hữu một chiếc máy pha café tại gia, thì việc vệ sinh máy vẫn luôn là một điều bạn phải hết sức lưu ý.

Tại sao lại phải vệ sinh máy?

Trong hạt cà phê có chứa một hàm lượng dầu nhất định. Dầu cà phê đóng vai trò quan trọng để tạo ra phần crema cho tách Espresso nên nếu không có phần dầu, không thể nào có một tách cà phê chuẩn ý. Tuy nhiên, dầu cà phê rất dễ bị ôi, nên khi để quá nhiều dầu tồn đọng trong máy, vị ngon của cà phê sẽ bị phá hỏng. Thêm vào đó, khi để lâu ngày không vệ sinh, lớp dầu cà phê tồn đọng trong họng cà phê sẽ khô lại, dẫn đến tắc phần lưới lọc.

Bên cạnh đó, cặn cà phê cũng là một yếu tố đáng để lưu tâm. Nếu không vệ sinh để loại bỏ hết cặn, cặn cà phê sẽ bám vào lưới lọc và cũng có thể gây tắc. Ngoài ra, cặn cà phê cũng có thể bám vào gioăng, làm gioăng hở, dẫn đến nứt, vỡ gioăng cao su sau một thời gian sử dụng.

Bởi vậy, việc vệ sinh máy là thực sự cần thiết, để không chỉ đảm bảo chất lượng cà phê, mà còn đảm bảo tuổi thọ của máy.

Khi nào phải vệ sinh máy?

Việc vệ sinh máy phải được thực hiện liên tục. Hàng năm, hàng tháng, hàng tuần, hàng ngày và thậm chí là hàng giờ. Dưới đây là một lịch trình vệ sinh máy cụ thể, để bất kỳ người sử dụng nào cũng có thể biết vệ sinh máy đúng cách.

Hàng giờ

Nghe thật bất ngờ, nhưng việc vệ sinh máy hàng giờ thực ra lại hết sức cần thiết, bởi chỉ sau 45 phút, dầu cà phê đã có thể bị ôi, ảnh hưởng tới hương vị sản phẩm. Vậy nên, sau một lần pha, việc xả nước để loại bỏ dầu cà phê cũng như cặn khỏi lưới lọc nước là hết sức cần thiết. Ngoài ra, cũng nên chú ý vệ sinh tay cầm và dành thời gian để chà sạch họng cà phê sau mỗi giờ sử dụng, để chất lượng cà phê luôn ở mức tốt nhất

Đối với đũa hơi để đánh sữa, sau mỗi lần sử dụng, cần phải lau sạch ngay lập tức, để tránh sữa bị hút ngược trở lại bình chứa nước và tránh cặn sữa đóng trên đũa, nhờ đó đảm bảo được vệ sinh cũng như vị ngon của những mẻ sữa tiếp theo

Hàng ngày

Sau một ngày sử dụng, nên chú ý vệ sinh và chà rửa họng chính, đặc biệt là phần lưới lọc. Ngoài ra cũng phải chà rửa và lau sạch tay cầm. Riêng với đũa hơi, hãy dành 15 – 20 phút để ngâm trong dung dịch nước nóng và bột vệ sinh, rồi lau sạch. Trong trường hợp cặn sữa đóng lại trên lỗ hơi, có thể dùng kẹp giấy để loại bỏ phần cặn.

Hàng tuần

Việc vệ sinh máy bằng các loại bột vệ sinh (như bột vệ sinh Caffetto) phải được thực hiện ít nhất một lần một tuần. Thêm vào đó, ngâm tay cầm trong dụng dịch nước  và bột vệ sinh trong ít nhất nửa tiếng và chà sạch. Nếu có thể, hãy gỡ lưới lọc ra để ngâm và vệ sinh, nhằm đảm bảo không còn dầu và cặn cà phê tồn đọng trong máy.

Hàng tháng

Định kỳ một tháng, hãy kiểm tra nguồn nước cấp cho máy. Đặc biệt chú ý đến bộ lọc nước, và thay thế ngay lập tức khi bộ lọc hỏng. Bộ lọc sẽ giúp loại bỏ các tạp chất và các nguyên tố kim loại trong nước, giúp máy không bị đóng cặn cũng như giữ cho hương vị cà phê luôn được thanh khiết.

Hàng năm

Sau một năm sử dụng, bắt buộc phải khử cặn nước trong bình chứa. Bởi vì dù bộ lọc nước của bạn có tốt đến đâu, bình chứa cũng vẫn có thể chứa cặn canxi sau thời gian dài sử dụng. Cặn canxi không chỉ tạo nên vị đắng gắt cho cà phê mà nó còn ảnh hưởng trực tiếp tới độ bền của máy pha

Lời kết

Tổng kết lại, mặc dù việc vệ sinh máy đòi hỏi nhiều công sức, nhưng những giá trị nó mang lại hoàn toàn xứng đáng với công sức bỏ ra. Một chiếc máy được vệ sinh sạch sẽ không chỉ là chiếc máy pha được cà phê ngon, mà còn là chiếc máy có thể hoạt động bền bỉ qua năm tháng.

Nguồn: home-barista.com

0985 906 266